Đề xuất hơn 3.300 tỷ đồng làm đường băng số 3 sân bay Long Thành
Không vượt mức đầu tư của dự án
Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) cho hay, theo Nghị quyết 94, dự án sân bay Long Thành có quy mô 100 triệu khách/năm, lộ trình thực hiện chia làm 3 giai đoạn.
Tại thời điểm trình duyệt chủ trương đầu tư dự án, do việc xác định nguồn vốn để đầu tư còn khó khăn nên Quốc hội đã quyết định giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư “ đường cất hạ cánh số 1” ở khu vực phía Bắc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án giai đoạn 1, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3, cách đường cất hạ cánh số 1 đang đầu tư 400 m về phía Bắc ngay trong giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Theo ông Thắng, trường hợp đường cất hạ cánh số 1 của sân bay Long Thành gặp sự cố thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ phải chia sẻ, dẫn tới quá tải, tàu bay sẽ phải bay chờ trên không làm phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến môi trường.
Do đó, việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khi đường cất hạ cánh số 1 xảy ra sự cố, không phải chuyển sang sân bay Tân Sơn Nhất.
“Hiện nay, đường cất hạ cánh số 3 đã được san gạt đến cao độ thiết kế, chi phí đầu tư hoàn thiện thấp, chỉ khoảng hơn 3.300 tỷ đồng và không vượt mức đầu tư của dự án thành phần 3 là 99.019 tỷ đồng, nhưng vẫn góp phần tăng năng lực và hiệu quả khai thác của sân bay” – Bộ trưởng GTVT lập luận.
Về tiến độ làm đường cất hạ cánh số 3, tư lệnh ngành giao thông nói, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026, kéo dài 24 tháng sau khi Quốc hội thông qua.
Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho hay, đến nay giai đoạn 1 của dự án đã xác định được cách thức tổ chức thực hiện đầu tư, hình thức đầu tư và quản lý khai thác. Do vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép tổ chức phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh giai đoạn 1 của dự án mà “không phải báo cáo Quốc hội thông qua”.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh về quy mô, thời gian thực hiện giai đoạn 1 theo hướng: Đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất cuối năm 2026 hoàn thành đưa vào khai thác.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án là đúng thẩm quyền của Quốc hội.
Về tính cần thiết, Uỷ ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết và các nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án với những lý do đã được nêu tại tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, về đề nghị cho phép thời gian thực hiện giai đoạn 1 đến 31/12/2026, theo ông Thanh, bên cạnh ý kiến đồng ý, còn có ý kiến đề nghị làm rõ hơn các nguyên nhân chủ quan dẫn đến chậm tiến độ dự án; làm rõ trách nhiệm và bài học kinh nghiệm đối với việc tổ chức thực hiện dự án nói riêng và các dự án quan trọng quốc gia khác nói chung, bảo đảm sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.
Ông Thanh cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị Chính phủ , chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm để có giải pháp ổn định đời sống, chỗ ở, sinh kế, việc làm cho người dân có đất bị thu hồi, người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án.
Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua các nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.