TP.HCM: Xác định 4 khu đô thị tiên phong ở huyện ngoại thành
Sở QH-KT cho rằng một trong những điều kiện quan trọng để phát triển các khu đô thị tiên phong là phải có giao thông kết nối.
Sở QH-KT TP.HCM vừa hoàn thiện đề án nhánh về định hướng phát triển hạ tầng đô thị các huyện ngoại thành TP.HCM, thuộc Đề án đầu tư – xây dựng các huyện thành quận hoặc TP thuộc TP.HCM. Đề án xác định trong tương lai, bốn khu đô thị gồm Cần Giờ, Tây Bắc, Hiệp Phước, Tây Bình Chánh sẽ là các đô thị tiên phong, đóng vai trò bứt phá của các huyện ngoại thành và được phát triển theo mô hình TP ngoại vi (edge city).
Sáu nhóm mô hình định cư ở vùng ven TP
Theo đề án, Sở QH-KT phân nhóm các mô hình định cư ở vùng ven TP.HCM gồm sáu nhóm. Cụ thể, nhóm 1 là nông thôn bảo tồn, lấy tự nhiên là chủ đạo; nhóm 2 là nông thôn mật độ cao; nhóm 3 là thị trấn hoặc giao thoa ven đô theo mô hình đô thị – nông thôn; nhóm 4 là đô thị ngủ; nhóm 5 là đô thị hình thành từ lan tỏa. Cuối cùng nhóm 6 là trung tâm – lõi trung tâm – khu vực động lực mới.
Trong sáu nhóm này, Sở QH-KT đánh giá nhóm 6 sẽ trở thành các trung tâm của các huyện. Theo đó, nhóm 6 có chức năng kinh tế mới, có vai trò là trung tâm đô thị thứ cấp của vùng lớn, là động lực tạo phát triển lâu dài cho địa phương. Vì vậy, nhóm này cần được đầu tư hạ tầng tập trung để thúc đẩy phát triển.
Các trung tâm nhóm 6 này thường là các khu vực đô thị hoặc đô thị hoàn chỉnh hơn những khu vực khác. Trong đó, các ngành nghề như du lịch, giáo dục đại học và dạy nghề, dịch vụ và công nghiệp gắn với cảng – logistics là cấu trúc kinh tế nổi trội.
Trong đề án, Sở QH-KT cho rằng hiện nay các khu đô thị Cần Giờ, Tây Bắc, Hiệp Phước, Tây Bình Chánh có thể phát triển theo mô hình này. Tuy nhiên, địa phương cần cân nhắc về lộ trình và khả năng thu hút đầu tư.
Trong thực tế, lâu nay các khu đô thị nêu trên đều được TP quy hoạch từ rất sớm. Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực thực hiện nên hiện vẫn đang trong tình trạng “ngủ đông”. Điển hình như khu đô thị Tây Bắc được “thai nghén” từ cách đây hơn 15 năm (quy hoạch từ năm 2007).
Khu đô thị Tây Bắc nằm ở phía tây bắc TP.HCM, trải dài trên địa bàn hai huyện Hóc Môn – Củ Chi. Đây là khu đô thị được kỳ vọng là điểm sáng lớn nhất phía tây bắc TP, suốt 15 năm qua, khu vực này vẫn chưa thể phát triển như mong muốn của chính quyền TP.
Còn khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có quy hoạch 1.354 ha nằm trong tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.900 ha). Đây là khu đô thị mới đa chức năng, có tính đặc thù của đô thị ven cảng, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP ra biển. Khu đô thị này hiện nay mới thu hút các nhà đầu tư vào cảng Hiệp Phước. Riêng 1.354 ha quy hoạch là đô thị thì vẫn đang “treo” vì chưa có nhà đầu tư.
Huyện Cần Giờ có khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng 2.870 ha, trong tương lai làm chủ đạo nhưng hiện vẫn đang chỉ dừng ở bước quy hoạch. Còn với khu Tây Bình Chánh hiện là khu trung tâm hành chính của huyện được xem là khu đô thị phát triển nhất của huyện này.
Phụ thuộc các dự án giao thông kết nối
Theo Sở QH-KT, để phát triển các huyện ngoại thành gắn với các trung tâm thứ cấp theo mô hình đô thị tiên phong, các khu vực như khu đô thị Tây Bắc, Cần Giờ phụ thuộc vào tiến độ các dự án kết nối như các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai và cao tốc.
Khu đô thị cảng Hiệp Phước là khu vực có tiềm năng, lại ở gần trung tâm TP nhưng vẫn rất cần đầu tư hạ tầng kết nối nhanh theo hướng dọc (đường sắt đô thị và đường sắt quốc gia) và kết nối ngang (vành đai 4) để thu hút đầu tư và các dự án lớn.
Sở QH-KT cho rằng cần tạo cơ hội phát triển bứt phá khu đô thị tiên phong cảng Hiệp Phước để mở đường cho các dự án lớn có thể triển khai sau năm 2030 cùng các dự án chiến lược kết nối nhanh của vùng.
Với huyện Bình Chánh, Sở QH-KT đánh giá cơ hội phát triển đô thị tiên phong khi nhìn vào vị trí cũng như quỹ đất của địa phương này. Tuy nhiên, sở này cho rằng thiếu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nhanh, hệ sinh thái các ngành gia công có giá trị gia tăng thấp hiện vẫn cản trở khả năng vươn lên của khu vực này.
Theo đề án, hiện nay tổng nguồn lực được phân bổ cho đầu tư hạ tầng cho các huyện ngoại thành giai đoạn 2021- 2030 dự kiến là 91.000 tỉ đồng. Cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là 110.000 tỉ đồng, tổng cộng là khoảng 200.000 tỉ đồng (8 tỉ USD).
Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển tại chỗ (chưa tính hạ tầng kết nối nhanh) cho phát triển huyện ngoại thành trong giai đoạn 2021-2030 (dân số tăng thêm 1,4 triệu, cải thiện hạ tầng hiện hữu cho 2,1 triệu người) dự kiến là 10 tỉ USD.