KTS Võ Trọng Nghĩa và hành trình sáng tạo từ Việt Nam đến Mỹ!

Chia sẻ tin này:
BỘ 3 GIẢM CÂN UNICITY AN TOÀN GIẢM TỪ 3-10KG bộ giảm cân unicity

Những công trình của Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa không chỉ là những khối xây dựng mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân văn cao. Trong buổi phỏng vấn này, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa về cuộc sống hiện tại cũng như khám phá những quan điểm và góc nhìn của anh về thiền và kiến trúc, từ quá trình sáng tạo đến những thách thức trong tương lai!

Thưa KTS Võ Trọng Nghĩa, anh thường được biết đến là một kiến trúc sư với phong cách thiết kế gắn với thiên nhiên. Nếu mô tả về phong cách thiết kế của mình, anh sẽ mô tả thế nào?

Nếu được mô tả về phong cách thiết kế kiến trúc của tôi thì tôi nghĩ đó là phong cách kiến trúc kết nối con người với thiên nhiên. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi mà con người ngày càng mất kết nối với thiên nhiên thì kiến trúc sư với công trình kiến trúc của mình sẽ giúp con người giao thoa được nhiều hơn với thiên nhiên. Để làm được điều này thì những vật liệu như gỗ, đá, tre, bê tông, sắt, thép, cái gì cũng được nhưng làm thế nào để nó ít tác động tới môi trường nhất, đó là phong cách mà tôi và công ty đang hướng tới.

Được biết anh đã theo Thiền khá lâu, vậy anh cảm thấy Thiền giúp mình hiểu hơn bản thân ở những khía cạnh nào?

Thiền giúp cho mình bớt đau khổ nhiều, khi mình nhắm mắt lại, giúp mình tĩnh tâm, bớt suy nghĩ về những chuyện xung quanh. Chính vì thế, mình có sự kết nối giữa bản thân và những người xung quanh được tốt hơn, giữa mình với thiên nhiên cũng tốt hơn, do đó tôi làm kiến trúc cũng hiệu quả hơn, sáng tạo hơn, năng suất hơn, hài hòa với thiên nhiên. Thêm một điều nữa, đó là những người hay bị mất ngủ, rối loạn lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt thì Thiền là liệu pháp rất tốt.

Trong hành trình của mình, anh đã phải đối mặt với những thách thức lớn như thế nào và, tư tưởng thiền đã ảnh hưởng đến cách anh đưa ra quyết định trong cả công việc lẫn đời sống cá nhân ra sao?

Thật ra tôi cũng bị những sang chấn từ thời trẻ, đó là những thách thức lớn, và tôi nghĩ là ai cũng có những đau khổ riêng của bản thân. Bản thân tôi rất nóng tính và mắc một cái mà người ta hay gọi là trầm cảm ẩn, thì có đọc bao nhiêu sách, bao nhiêu bài giảng cũng không giảm được, cho đến khi mình tập Thiền thì thấy nó giảm dần. Đến năm 2017 – 2020, khi Thiền bên Myanmar, tôi đã Thiền và trở thành một người bình thường được. Thiền cũng giúp cho mình sáng tạo hơn, làm việc năng suất hơn và mình đưa ra quyết định cũng thuận lợi hơn.

Được biết, một ngày của anh bắt đầu vào lúc 5h30 sáng và kết thúc vào lúc 20h giờ tối. anh có thể mô tả cách thực hiện Thiền trong cuộc sống hàng ngày và tác động của nó đến tâm trạng cũng như hiệu suất làm việc với một thời gian biểu đặc biệt như vậy. Và anh thường dành thời gian như thế nào cho gia đình giữa những bận rộn của công việc?

Thường thì tôi sẽ dậy vào lúc 5h rưỡi sáng, sau đó vệ sinh cá nhân, uống trà và làm những việc quan trọng trong giờ đó. Thời gian từ 6h đến 7h sáng, tôi sẽ ngồi Thiền, tiếp đó là tôi học Tiếng Anh, đưa con đi học. Tôi đang học thạc sĩ về tâm lý học, tôi cũng đi dạy ở Trường Đại học Yale, Đại học Toronto. Khoảng 16 đến 17h chiều, tôi sẽ dành thời gian để tiếp tục Thiền. 18 đến 20h tối, tôi sẽ làm việc với các đồng nghiệp ở Việt Nam. Mỗi tối tôi đi ngủ khá sớm. Mặc dù khá bận nhưng tôi vẫn đùa với mọi người rằng mình bận mà lại không bận, vì phần lớn thời gian đều ở nhà, tôi có thể ru con ngủ, đưa con đi công viên.

Hiện tại anh đang sinh sống tại cả Mỹ và Việt Nam. Việc sống và làm việc ở một môi trường như Mỹ đã ảnh hưởng như thế nào đến phong cách kiến trúc của anh? Có sự thay đổi nào so với thời gian ông làm việc ở Việt Nam không?

Hiện tại tôi sinh sống tại cả Mỹ và Việt Nam, thật ra cũng không có gì thay đổi, chỉ có điều là mình sống ở một vùng đất có khí hậu khác thì mình thiết kế những công trình nó phù hợp đặc thù hơn. Nếu có thay đổi thì chỉ là từ khi tôi biết Thiền, trước kia, để có thể ra được một công trình kiến trúc, tôi phải làm việc và suy nghĩ rất nhiều, nhưng khi biết Thiền thì việc tĩnh tâm giúp tôi làm kiến trúc rất hiệu quả.

Anh có dự định thành lập văn phòng kiến trúc ở Mỹ không? Nếu có, chiến lược phát triển của anh tại đây sẽ như thế nào?’

Tất nhiên là có rồi, tôi vẫn đang thực hiện đây. Ở Mỹ, mọi thứ khá “cởi mở” nên cũng dễ dàng cho những dự định của tôi. Lý do tôi chọn đến Mỹ là vì tôi rất thích tiếng Anh, ngày trẻ không có điều kiện để học. Bây giờ có điều kiện thì mình phải học thôi.

Trường Nước Ui là một dự án đáng chú ý, anh có thể chia sẻ về quá trình thiết kế và ý tưởng đằng sau công trình này không?

Nước Ui School là một dự án được tài trợ bởi quỹ Midas Foundation. Khi lên ý tưởng xây dựng trường Nước Ui, tôi muốn xây một công trình bền vững, sử dụng các vật liệu địa phương. Địa điểm xây trường là nằm ở vùng sâu của tỉnh Quảng Nam, các vật liệu như đất sẽ giúp đỡ tốn chi phí. Các vật liệu truyền thống như tre, gỗ sẽ được kết hợp hài hòa với các vật liệu hiện đại như kính và bê tông để tạo ra một công trình vừa có tính thẩm mỹ, vừa bền vững.

KTS Võ Trọng Nghĩa và hành trình sáng tạo từ Việt Nam đến Mỹ!- Ảnh 1.

Trường Nước Ui tại Quảng Nam, một công trình mới do KTS Võ Trọng Nghĩa thiết kế, sử dụng sản phẩm của thương hiệu Nhật Bản INAX và Tostem

Việc nhãn hàng INAX và TOSTEM của Nhật Bản tài trợ đã ảnh hưởng thế nào đến các quyết định thiết kế và vật liệu được sử dụng trong dự án?

Kiến trúc sư mong muốn xây dựng một ngôi trường bền vững lâu dài. Tuy nhiên, vì chi phí không có nhiều, nếu sử dụng vật liệu cửa và thiết bị vệ sinh không có chất lượng tốt thì nhanh hỏng. Cũng rất may là thương hiệu INAX và TOSTEM đã hỗ trợ hai phần quan trọng này.

Anh nghĩ rằng sự sáng tạo có vai trò thế nào trong nghề kiến trúc và làm thế nào để sinh viên có thể phát triển khả năng sáng tạo của mình?

Trong kiến trúc, sáng tạo là tiêu chí vô cùng quan trọng. Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, các thông tin được tiếp cận nhanh chóng, nhưng tính sáng tạo vì thế cũng giảm đi. Bởi vậy, điều quan trọng là không ngừng học hỏi, cả tôi hay những kiến trúc sư trẻ đều nên không ngừng học hỏi để có thể cập nhập những điều mới nhất, phục vụ cho công việc.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, anh muốn sinh viên kiến trúc tương lai phải làm gì để thích ứng?

Trong tương lai gần, AI sẽ cực kỳ phát triển, kể cả trong lĩnh vực kiến trúc. Vì vậy, các bạn sinh viên nên vừa học kiến trúc, vừa học AI để phục vụ cho công việc. Ngoài ra, như tôi vẫn nói là chúng ta nên dành thời gian Thiền để tĩnh tâm và làm việc tốt hơn.

Xin cảm ơn Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa đã dành thời gian chia sẻ những suy nghĩ và quan điểm của mình. Chúng tôi chúc anh sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công và tạo ra những công trình đậm chất nghệ thuật và nhân văn trong tương lai!

Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa: Cảm ơn các bạn. Chúc các bạn cũng sẽ có nhiều thành công trong công việc của mình.

Chia sẻ tin này:

Có thể bạn quan tâm