Mặt bằng cho thuê trung tâm Tp.HCM đón nhiều “gương mặt mới”
Bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý Cấp cao Bộ phận Cho thuê Bán lẻ Savills Tp.HCM cho rằng, Tp.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục cho thấy sức hút của nền kinh tế trẻ quy mô 100 triệu dân với các thương hiệu ngành thời trang, đời sống và dịch vụ ăn uống
Đáng nói, thị trường thời trang TP.HCM đang ngày càng sôi động với sự xuất hiện của nhiều thương hiệu quốc tế đình đám. Vincom Đồng Khởi vừa chào đón một số gương mặt mới là Urban Revivo và Karl Lagerfeld, trong khi đó, Saigon Centre cũng không kém cạnh với sự góp mặt của Longchamp, Lush và cửa hàng thứ hai của Popmart.
Về đặc thù hoạt động của phân khúc mặt bằng bán lẻ hiện đại cho thuê, theo bà Quyền, đây là mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nhà vận hành TTTM (bên cho thuê) và các nhóm bán lẻ lớn (bên thuê) luôn liên tục làm mới trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
“Những vị trí đó hầu như không thay đổi bên thuê, chỉ là bên thuê thay thế bằng các nhãn hàng mới hợp thị hiếu người tiêu dùng hơn mà họ vừa thu hút về được cho thị trường Việt Nam. Những thay đổi này cũng giúp làm mới diện mạo của TTTM và giữ chân người mua sắm. Dù cho là TTTM ở các quận trung tâm cũng phải luôn duy trì sự mới mẻ với những thương hiệu mới”, bà Quyên chia sẻ.
Theo quan sát của Savills, hiện nay có một vài thương hiệu muốn gia nhập Tp.HCM nhưng vẫn gặp khó khăn do mặt bằng Quận 1 khan hiếm, thủ tục cấp giấy phép cần nhiều thời gian, vì vậy người tiêu dùng vẫn phải chờ thêm để thực sự thấy các cửa hàng mở cửa.
Phân tích về động lực chính cho việc gia nhập thị trường Việt Nam của các thương hiệu đó bà Quyên cho biết, Việt Nam có lợi thế dân số trẻ, thị trường gần 100 triệu dân. Đặc biệt là các thành phố lớn có nhóm người tiêu dùng trẻ, nhạy bén với các xu hướng, mức sống ngày càng cao, nhu cầu hòa nhập và thể hiện bản thân lớn. Đây là những yếu tố giúp cho các nhãn hàng mua sắm và những dịch vụ ăn uống, vui chơi vẫn còn nhiều tiềm năng.
Cùng với đó, giá thuê bán lẻ trung tâm tại Tp.HCM là một trong những thành phố cao nhất trong khu vực. Theo bà Quyên, giá thuê mặt bằng tại các quận trung tâm hiện nay trung bình đắt gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với các quận bán trung tâm. Khi so với các thành phố khác, khoảng cách này lại còn lớn hơn nhiều.
Giá thuê của mặt bằng trung tâm dự kiến sẽ đi đều trong năm sau, và vùng ven sẽ gặp nhiều khó khăn do nhóm khách thuê vẫn tập trung trong nhóm ngành nhu yếu phẩm, dịch vụ và ăn uống, trong khi đó các thương hiệu nhóm ngành thời trang và mua sắm thì sẽ chưa tự tin để mở các điểm bán hàng ở khu dân cư mới.
Báo cáo của bộ phận Nghiên cứu Savills chỉ ra, tính đến quý 3/2024, công suất thuê các dự án bán lẻ hiện đại tại Tp.HCM được duy trì ở mức cao với 94%, tăng 0,5 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm. Các khách thuê lớn như Mr. DIY, Uniqlo và Muji mở rộng ở khu vực ngoài trung tâm do giá thuê phải chăng và mật độ dân số cao.
Các dự án trọng điểm như Hùng Vương Plaza, AEON Mall và Vạn Hạnh Mall luôn duy trì công suất đạt 100% nhờ lượng khách ra vào trung tâm thương mại cao, khách thuê đa dạng và quản lý hiệu quả. Giá thuê tầng trệt trung bình 1,4 triệu đồng/m2/tháng, tăng 4% theo quý và 6% theo năm.
Lượng tiêu thụ tích cực đạt 42.111 m2 sàn. Ngành F&B dẫn đầu với 25% thị phần, tiếp theo là giải trí với 24% và thời trang với 18%. Theo Sở Công Thương Tp.HCM ước tính, năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng 11% theo năm. Chi tiêu tiêu dùng dự kiến tăng 7,6%.
Nguồn cung mới hạn chế, kết hợp với sức tiêu dùng mạnh mẽ, tình hình hoạt động của thị trường dự kiến sẽ duy trì tốt. Trong quý 4/2024, hơn 27.600 m2 sàn từ ba dự án ngoài trung tâm sẽ khai trương với công suất dự kiến đạt ít nhất 80%.
Đến năm 2027, nguồn cung tương lai hơn 163.100 m2 từ 12 dự án; trong đó, khu vực ngoài trung tâm chiếm 55% nguồn cung. Để cải thiện công suất, một số chủ đầu tư như Cantavil Premier và Platinum Plaza đang lên kế hoạch cải tạo và làm mới cơ cấu khách thuê vào năm 2025.
–